Mục tiêu tiết học giúp các em học sinh nhận biết được một số yếu tố đặc sắc của nghệ thuật múa rối truyền thống ở làng cổ Bảo Hà, huyện Vĩnh Bảo từ đó giáo dục ý thức tìm hiểu về nghệ thuật múa rối truyền thống ở làng cổ Bảo Hà; thực hiện đuợc những việc làm phù hợp trong việc giữ gìn, phát huy nghệ thuật múa rối truyền thống ở làng cổ Bảo Hà; lập được kế hoạch tìm hiểu nghệ thuật múa rối truyền thống ở làng cổ Bảo Hà và thực hiện kế hoạch đó.
Để thực hiện tiết dạy, cô giáo Ngô Thị Bích được phân công dạy trực tiếp tại lớp 8A2 có sự kết nối trực tuyến với các lớp 8A1 và 8A3 do cô giáo Lưu Thị Hạnh và Lê Thị Hương Giang hỗ trợ. Với hình thức dạy học dự án, học sinh các lớp được giao nhiệm vụ riêng chuẩn bị cho tiết học:
- Học sinh lớp 8A1: Tìm hiểu và giới thiệu chung về Làng Bảo Hà - cái nôi của nghề tạc tượng và rối cạn.
- Học sinh lớp 8A2: Tìm hiểu và giới thiệu về nghệ thuật chế tác con rối Bảo Hà.
- Học sinh lớp 8A3: Tìm hiểu và giới thiệu về nghệ thuật biểu diễn rối cạn Bảo Hà.
Trong tiết dạy, học sinh các lớp tham gia chủ động, tích cực, tự tin. Các em chia sẻ “Chúng em rất thích hình thức học này vì ngoài các bạn trong lớp, chúng em còn được giao lưu, học hỏi các bạn lớp khác nữa”. Sau tiết học, các em học sinh không những thấy trân trọng, tự hào về nghệ thuật múa rối truyền thống ở làng cổ Bảo Hà, huyện Vĩnh Bảo; trân trọng, tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương mà còn bồi dưỡng được các phẩm chất tốt đẹp như lòng yêu nước, tinh thần nhân ái, sẻ chia...
Hình thức dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến đã phần nào giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên và cũng đã phát huy được tính ưu việt riêng cần được nhân rộng trong các nhà trường.